Vào ngày 15/11/2024, Trường Đại học Tây Đô đã tổ chức hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp trường “Khảo sát tình hình nhiễm cầu trùng (Eimeria spp.) trên gà tại xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” do TS. Nguyễn Thị Chúc thuộc Khoa Sinh học ứng dụng làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 12/2023 đến tháng 12/2024.
Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá tình hình nhiễm cầu trùng ở đàn gà hướng trứng tại tỉnh Hậu Giang, xác định các loại cầu trùng gây bệnh phổ biến và đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.
Đề tài đã áp dụng kết hợp phương pháp truyền thống và sinh học phân tử để định danh các loài noãn nang cầu trùng gây bệnh, từ đó nâng cao độ chính xác trong việc xác định các loài cầu trùng phổ biến và ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gà.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng gà nuôi hướng trứng giai đoạn hậu bị tại tỉnh Hậu Giang có tỷ lệ nhiễm cầu trùng khá cao, lên tới 41,46%. Tình trạng nhiễm bệnh xuất hiện ở tất cả các độ tuổi gà, nhưng tỷ lệ nhiễm cao nhất là ở nhóm gà từ 4-6 tuần tuổi. Về mức độ cường độ nhiễm, cường độ 1+ là phổ biến nhất, tiếp theo là các mức 2+, 3+ và 4+. Qua định danh hình thái học và sinh học phân tử, nhóm nghiên cứu đã xác định được 5 loài noãn nang cầu trùng thường gặp, gồm E. mitis, E. acervulina, E. maxima, E. necatrix và E. tenella. Trong đó, loài E. tenella là loại phổ biến nhất. Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm ghép 2 loài cầu trùng trong một cá thể gà là phổ biến nhất, trong khi nhiễm ghép trên 4 loài cầu trùng là ít gặp.
Nghiên cứu này đã đóng góp một phần quan trọng vào việc hiểu rõ hơn về bệnh cầu trùng ở gà. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp người chăn nuôi có những biện pháp phòng trị hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra và nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà hướng trứng tại tỉnh Hậu Giang.